Một ngón Thiền của Câu Chi



Câu Chi mới xuất gia chưa bao lâu đã ở riêng một mình nơi am tranh tu tập.

Một hôm có cô ni pháp hiệu Nhẫn Tế đến am, đi quanh Câu Chi ba vòng xong cô nói:

-    Ngài nói được một câu, tôi sẽ lấy nón xuống.

Câu Chi tự nghĩ: Trong đây hàm ẩn cơ thiền, nhưng là cái gì?

Ni Nhẫn Tế nói:

-    Nói không được tôi xin cáo từ.

Câu Chi suy gẫm:

-    Cô ấy muốn ta nói thế nào? Chiếc nón biểu trưng cho cái gì? Ta sánh không bằng cô ni thì còn mặt mũi nào tu một mình nơi đây được nữa.

Câu Chi suốt đêm gom góp hành lý quyết định sáng sớm lên đường tham học. Bất chợt có một vị sư già xuất hiện nói với Câu Chi:

-    Bần tăng là Thiên Long, thấy ông thần sắc chẳng an, chắc có điều gì bất bình?

Câu Chi liền vội vàng thuật lại cuộc gặp gỡ kỳ lạ với cô ni hôm trước rồi nói tiếp:

-    Tôi luống mang thân nam tử, lại không có khí khái đại trượng phu, ngay đến câu nói của cô ni cũng không đáp được.

Thiên Long nói: - Ông muốn biết đáp án chính xác phải không?

-    Xin sư phụ từ bi khai thị.

Thiên Long nói: -Tất cả chân lý đều là cái này. Vừa nói vừa đưa ngón tay trỏ lên, ngón tay phát hào quang rồi hiện biến tướng khác lạ. Có lúc

hóa thành trăm ngàn chúng sanh kêu la. Có lúc là sông suối ào ạt, bỗng chớp mắt hóa ra ngàn bươm bướm. Có lúc là núi cao chót vót, vách núi sừng sững, phảng phất như đỉnh núi lặng yên, ngước mắt lên gió mát ù tai.

Câu Chi cúi lạy thưa: - Sư phụ, con nhận ra rồi. Một là tất cả, tất cả là một.

Khi ngước lên nhìn, Câu Chi không thấy Thiền sư Thiên Long đâu cả.

Từ đó ai hỏi Câu Chi về Phật pháp. Ngài đều đưa một ngón tay.

Bình: Muôn sai là một gốc, một gốc tức muôn sai. Một ngón tay của Câu Chi nếu người khéo nhận thì đầy đủ cả Phật pháp vô lượng.